Tour theo chủ đề

Cẩm nang du lịch miền Tây

“Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong vui niềm vui ấm no cuộc sống

Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng

Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận, ai đi Hậu Giang đến Bắc Cần Thơ

Đi về Minh Hải hay đi về Kiên Giang, đi về Sa Đéc hay là về An Giang Miền Tây ơi!”

Từ lâu những câu hát về miền Tây đã đi vào lòng của người dân nơi đây và bao du khách. Miền Tây không đẹp lộng lẫy kiêu sa, mà mang vẻ đẹp êm đềm, bình dị và yên bình, nổi tiếng với những cánh đồng cò bay thẳng cảnh ở vùng Đồng Tháp Mười. Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch miền Tây, hãy tham khảo một số kinh nghiệm du lịch miền Tây cực hữu ích của Lữ hành châu Á - Asiana Tours dưới đây nhé.

>> Xem thêm

---------------------------------------------------------------------------------

1. Giới thiệu chung về miền Tây

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam, hay còn gọi là vùng đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc nói ngắn gọn là miền Tây thì người dân Việt Nam cũng có thể hiểu được. Miền Tây Nam Bộ gồm có 12 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) và 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ).

Miền Tây nổi tiếng với nhiều kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc. Các con sông này nguồn nước dẫn chủ yếu là từ sông Cửu Long (Cửu Long giang), là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam.

Người miền Tây Nam Bộ ảnh hưởng sâu đậm văn hóa sông nước hay còn gọi là tính sông nước. Người miền Tây có thói quen di chuyển bằng xuồng, nhà ở gần kênh rạch. Nguồn thực phẩm họ ăn hằng ngày cũng từ thủy sản, những con vật sống ở dưới nước như cá, tôm, cua, lươn, ốc… Từ nguyên liệu chính này, họ có nhiều cách chế biến để có bữa ăn ngon như luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm...

Người miền Tây nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, bụng dạ thật lòng, muốn nói điều gì là nói ra điều ấy ngay chứ không nói vòng vo tam quốc như phong cách của người Bắc. Có được điều này có lẽ cũng do đời sống hằng ngày của họ là sự chung sống hài hòa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Ở mỗi dân tộc họ có phong tục riêng, tôn giáo khác nhau nhưng những người miền Tây nói chung họ sống rất hòa hợp, tôn trọng tín ngưỡng lẫn nhau.

Người miền Tây nổi tiếng hiếu khách, hào hiệp, sẵn sàng cho người khách lữ hành lỡ bước tá túc ở nhà, họ đãi cơm rượu như người bà con xa mới về. Tính cách này cuả người miền Tây có lẽ do ảnh hưởng tự sự ưu đãi của thiên nhiên, đất rộng, người thưa, hoa trái quanh năm xum xuê tươi tốt. Người miền Tây có lối sống giản dị, mộc mạc, không cầu kỳ lễ nghĩa như văn hóa người Bắc. Họ trọng nội dung hơn hình thức; họ thích hài hước, nhẹ nhàng, thích nói xạo, nói dóc cho đời vui vẻ.

2. Thời điểm du lịch miền Tây

Miền Tây với khí hậu nắng ấm quanh năm, thời tiết ôn hòa nên hầu như du khách đến tham quan mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa đến với miền Tây có một thú vị riêng, đặc sắc riêng.

Thường vào mùa hè (khoảng tháng 6, 7, 8) là mùa trái cây chín ở miền Tây nên nếu bạn thích khám phá những vườn trái cây xanh tươi thì nên đi vào mùa hè.

Tầm tháng 9 đến tháng 11 là mùa nước nổi, đến miền Tây vào mùa này bạn sẽ thấy nước ngập trắng cả đồng ruộng, đâu đâu cũng thấy nước. Du lịch miền Tây mùa này tuy không được đi tham quan nhiều nơi nhưng nếu đến đúng vào những ngày nước nổi thì cũng có nhiều thú vui không kém.

Từ tháng 12 đến tháng 1, tháng 2 dương lịch là thời điểm gần giáp tết. Đến miền Tây dịp này bạn có thể đi thăm các làng hoa nổi tiếng như Sa Đéc, Tân Quy Đông, Vị Thanh…

3. Di chuyển đến miền Tây

Đường hàng không: Miền Tây có sân bay lớn nhất là sân bay Cần Thơ, các bạn có thể đến sân bay Cần Thơ rồi đi xe khách đến các tỉnh khác.

Đường ô tô: Bạn có thể đến Bến xe Miền Tây (địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM), rồi mua vé đi các tuyến ở các tỉnh miền Tây.

Xe máy: Nếu xuất phát từ Sài Gòn, bạn có thể chọn phương tiện là xe máy vì di chuyển bằng xe máy sẽ có lợi thế về hành trình, đi, nghỉ, dừng tùy hứng và khỏi mất thời gian hoặc bỏ lỡ những địa điểm đẹp trong suốt hành trình.

4. Vật dụng, hành lý cần mang theo

Với những kinh nghiệm du lịch miền Tây của Lữ hành châu Á - Asiana Tours thì việc chuẩn bị hành lý tốt sẽ giúp bạn có những chuyến đi thoải mái hơn, nên nhớ mang đồ vừa phải, tránh lỉnh kỉnh khó di chuyển

Quần áo: Nhiệt độ Miền Tây tương đối dễ chịu nên cũng không cần mang quá nhiều đồ ấm như đi du lịch Sapa hay Đà Lạt. Chỉ cần mang theo quần áo bình thường, áo khoác để tránh nắng. Địa hình miền Tây nhiều sông nước nên tốt hơn hết bạn nên mang đồ có vải màu, dễ giặt không nên mặc những bộ đồ có màu trắng, có thể bị vấy bẩn và khó giặt.

Giày dép nên chọn những loại dễ đi, giày đế mềm, dép quai hậu. Đặc biệt không nên đi giày cao gót vì đi ghe, thuyền và qua những cây cầu sẽ rất khó khăn.

Mang theo những loại thuốc chống côn trùng như: muỗi, rết,…. Vì khu vực sông nước tì thường rất nhiều loại động vật này. Có thể chuẩn bị thêm đèn pin, gậy chống và võng để có thể đi lại và nghỉ ngơi thoải mái hơn. Hạn chế đi lại vào ban đêm.

5. Lưu trú tại miền Tây

Một trong những kinh nghiệm để thuê được nhà nghỉ và khách sạn giá rẻ ở các tỉnh miền Tây đó là “Cứ đi hỏi 8 nhà trọ sẽ tìm được 2 nhà ưng ý” do đó các bạn không nên lo lắng quá về vấn đề này nhé.

Các khách sạn và nhà nghỉ ở miền Tây cũng rất phong phú, tùy theo vào nhu cầu và túi tiền của các bạn. Điều đặc biệt, là người dân miền Tây rất chân chất và mến khách, do đó các bạn có thể xin tá túc lại trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc các cù lao

6. Những điểm đến không thể bỏ qua

Do miền Tây có khá nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và bạn không thể khám phá trong ngày một, ngày hai nên Lữ hành châu Á - Asiana Tours sẽ gợi ý những điểm đến nổi bật ở miền Tây dựa theo sở thích để bạn có thể dễ dàng chọn lựa điểm đến thích hợp.

MÙA TRÁI CÂY

Tùy theo mùa và tùy vào thời điểm mà các miệt vườn có thể có những loại trái cây khác nhau, nhưng thường vào mùa hè (khoảng tháng 6, 7, 8) là mùa trái cây chín ở miền Tây và nếu đến miền Tây vào mùa này bạn có thể ghé đến những địa điểm vườn trái cây nổi tiếng sau.

Vườn trái cây Vĩnh Kim, Tiền Giang

Nhắc đến địa danh Vĩnh Kim của tỉnh Tiền Giang, người ta lại nghĩ ngay đến vú sữa Lò Rèn với những trái vú sữa căng tròn, vỏ mọng, vị thơm ngon ngọt ngào. Ngoài thương hiệu vú sữa Lò Rèn, đến Vĩnh Kim du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều loại trái cây ngon khác như sầu riêng, chôm chôm, bưởi…

Vú sữa Vĩnh Kim

Địa chỉ: xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang

Vườn trái cây Cái Mơn, Bến Tre

Vườn cây ăn trái Cái Mơn thuộc tỉnh Bến Tre là vựa trái cây lớn nhất nhì miền Nam và được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Các vườn trái cây Cái Mơn được bao bọc giữa bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên và Hàm Luông nên quanh năm khí hậu ôn hòa, cây lá sum suê, tươi tốt. Đến với miệt vườn Cái Mơn không thể không nhắc đến sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Hai Hoa, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa… là những đặc sản ngon có tiếng ở vùng này.

Sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép

Địa chỉ: xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Vườn trái cây Trung An, Củ Chi

Chỉ cách Sài Gòn 40 km, đây là vườn trái cây gần nhất bạn có thể đi từ phía trung tâm thành phố Sài Gòn. Với thời gian di chuyển chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, bạn đã có thể hòa mình vào những màu sắc và hương vị ngọt ngào của trái cây nơi đây.

Vì không quá cách xa trung tâm Sài Gòn nên đây thực sự là một gợi ý rất thú vị cho những ai muốn tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần của bản thân và gia đình. Ngoài tham quan và nghỉ ngơi bạn còn có thể làm cần thủ trong những chiếc chòi lá mát rượi với không gian yên tĩnh hòa mình với thiên nhiên của miệt vườn.

Hướng dẫn đường đi: Từ trung tâm TP.Hồ Chí Minh bạn đi ra đường Trường Chinh, qua quốc lộ 22 đến cầu vượt Củ Chi rẽ phải ra tỉnh lộ 8 (hướng qua Bình Dương), các bạn lưu ý không chạy lên cầu vượt nhé, đi khoảng 15km đến đường Trung An bên tay trái, có bảng Khu du lịch sinh thái xã Trung An, tại đây có rất nhiều khu vườn sinh thái để du khách lựa chọn.

Vườn trái cây Long Khánh, Đồng Nai

Long Khánh được xem là vựa trái cây của Đông Nam Bộ, do đặc trưng thổ nhưỡng ở đây nên hoa trái rất sum suê. Bạn có thể ghé các xã Bảo Quang, Bảo Vinh, Bình Lộc… để vào thăm vườn trái cây, thu hoạch cùng người dân nơi đây. Du lịch vườn ở Long Khánh hằng năm diễn ra nhộn nhịp, nhất vào khoảng tháng 6 tháng 7 dương lịch. Thời điểm này là lúc chôm chôm, sầu riêng đã cho trái chín. Đi trong vườn cây rợp bóng xanh mát dịu, du khách sẽ cảm thấy thích thú ngắm nhìn những chùm chôm chôm chín đỏ lơ lửng trên đỉnh đầu, những chùm dâu màu vàng mơ đeo lủng lẳng từ trên cành xuống tận gốc, và thoang thoảng trong gió, mùi thơm của sầu riêng đầy quyến rũ.

Địa chỉ: Xã Bảo Quang – Bảo Vinh – Bình Lộc, thị xã Long Khánh, Đồng Nai.

MÙA NƯỚC NỔI

Mùa nước nổi ở miền Tây trước đây vào khoảng tháng 7, 8, 9, tuy nhiên những năm gần đây do mùa mưa đến trễ hơn trước nên mùa nước nổi thường bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 11.

Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp

Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu. Đến buổi tối, bạn có thể đi gỡ lưới và giăng cần đêm. Giăng lưới mùa nước nổi thật đơn giản, cứ chèo xuồng con đi thẳng một đường rồi thả lưới. Chừng một tiếng sau quay lại, thế nào cùng có món ngon cho nồi cháo khuya. Đêm nhẹ nhàng trôi qua trong giấc ngủ say hứa hẹn một ngày mới đầy thú vị.

Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen nở rộ khắp nơi. Rảo bước dạo chơi trên những bờ đê hay khua mái chèo rẽ nước lướt giữa hương sen thoang thoảng để thấy lòng mình thật yên bình và thanh thản.

Rừng tràm Trà Sư, An Giang

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát. Sau khi đi thuyền vào sâu trong rừng tràm, chiếc thuyền rẽ con nước đưa bạn vào khu vực đẹp nhất của rừng, nơi những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước.

Thuyền được trang bị cả nón lá để chụp ảnh hay tránh “bom” của những chú chim trong rừng. Khỏa nước theo giọng nói chuyện chầm chậm của cô lái thuyền, bạn có thể với tay chạm vào những tấm bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp nơi rồi bay về tổ.

Thung lũng Tà Pạ, An Giang

Cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn, An Giang vào mùa nước nổi như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút.

Cánh đồng Tà Pạ trong sương sớm

Cánh đồng Tà Pạ còn được xem là ruộng bậc thang độc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đứng trên mé đồi sẽ được ngắm màu xanh mượt của cánh đồng lúa đương thì con gái cũng như màu vàng ươm của những ruộng lúa đang chờ gặt.

Hồ gương trời Búng Bình Thiên, An Giang

Cách Châu Đốc khoảng 30 km, búng bình thiên hay còn có tên gọi là hồ nước trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Campuchia. Vào mùa nước nổi, búng bình thiên lãng mạn và thơ mộng với những chiếc thuyền ẩn hiện trong làn sương sớm hay ánh sáng nhập nhoạng hoàng hôn.

Hoàng hôn trên Búng Bình Thiên

Cảm nhận đầu tiên mà Búng Bình Thiên mang đến cho bạn là cảm giác êm đềm, dịu mát giữa một không gian xanh trải rộng đến hút tầm mắt. Đó là một vùng trời nước bao la, được tạo nên bằng bàn tay kỳ diệu của tạo hóa. Mùa nước nổi, nước dâng lên làm mặt búng rộng khoảng 900 ha. Có thể nói rằng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng và cũng là nơi có nhiều cá đồng bậc nhất vùng biên giới.

Đầm Thị Tường, Cà Mau

Đầm Thị Tường nhìn trên bản đồ như một quả bóng phình ra ở giữa, hai đầu hơi hẹp được phân ra đầm trong, đầm giữa và đầm ngoài. Đầm có chiều dài 10km, chỗ rộng nhất khoảng 2km. Đầm thông ra biển Thái Lan qua sông Mỹ Bình. Ở đây là vùng nước lợ rất thích hợp cho sú, cua, rẹm sinh sôi, phát triển nên đa số dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi hải sản. Đi trên mặt đầm mênh mông, bạn có thể thấy những nhà sàn nhỏ cách nhau chừng 100m. Đó là nhà ở để canh chừng mấy chục cái lú bắt tôm, cá, cua, rẹm của các hộ dân. Đi miền Tây mà không ngủ qua đêm trên đầm Thị Tường sẽ là một điều vô cùng thiếu sót.

Hoàng hôn về trên đầm Thị Tường

Làng nổi Tân Lập, Long An

Làng nổi Tân Lập nhìn từ trên cao

Làng nổi Tân Lập hay còn gọi là rừng tràm Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách trung tâm TP HCM chừng 100 km, đường đi khá dễ dàng. Đến đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào miền cổ tích với ánh nắng len qua tán cây, tiếng rì rào của lá, tiếng hót của chim… Bạn nên đến Tân Lập vào tháng 10 và 11 để có thể ngắm được hoa sen khoe sắc, hít thở hương thơm ngào ngạt của loài hoa tinh khiết này.

MÙA GIÁP TẾT

Vườn hoa Sa Đéc, Đồng Tháp

Là một trong những vùng trung tâm hoa kiểng của miền Nam – Sa Đéc, hay cụ thể hơn là làng hoa Tân Quy Đông ở Sa Đéc, luôn là điểm đến của khách du lịch mỗi khi chuẩn bị Tết Âm lịch đến.

Mùa Tết, làng hoa Tân Quy Đông trồng nhiều nhất là cúc: cúc mâm xôi, đại đóa, đồng tiền, vạn thọ… Bên cạnh đó là bát ngát thược dược, vạn thọ, hoa dâm bụt, mãn đình hồng, ớt kiểng…, ngoài ra còn có hàng trăm thực vật quý hiếm miền Nam. Vì vậy nơi đây mỗi mùa giáp Tết đều tấp nập du khách tham quan, vừa ngắm hoa vừa chụp ảnh

 

Làng cây kiểng Chợ Lách – Cái Mơn, Bến Tre

Những ngày cận Tết, không khí tại làng hoa Chợ Lách – Cái Mơn, nơi được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng – cây ăn trái” của cả nước nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Những người thợ vườn đang ra sức chăm chút cho những luống hoa đón Tết. Các nhà ghe cũng bận rộn với những chuyến hàng hoa xuôi ngược xa gần nối tiếp.

Làng hoa Thới Nhựt, Cần Thơ

Tuy không nổi tiếng bằng Tân Quy Đông hay Cái Mơn, làng hoa Thới Nhựt (hay Bà Bộ) cũng là một điểm ngắm hoa thú vị nếu bạn có dịp về Cần Thơ mùa giáp Tết. Làng hoa đã có hơn 100 năm tuổi, trước đây chủ yếu trồng các loại hoa và cây cảnh quen thuộc miền Tây như mai, cúc, thược dược, hướng dương…

CHỢ NỔI

Chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là một khu chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ vậy đây còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Chợ nổi Ngã Bảy - nơi gặp nhau của bảy tuyến sông

Du khách sẽ được thấy cảnh bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau quả, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng thì nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo.

Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm những tà áo bà ba nườm nượp mua bán trên ghe vô cùng thú vị.

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa…chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.

Khi mặt trời khuất sau rặng cây đàng xa cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến đây du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây.

Chợ nổi Trà Ôn, Vĩnh Long

Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.

Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông. Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào của Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.

DU LỊCH TÂM LINH

Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang

Bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Hàng năm, di tích này thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung… tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.

Chùa Dơi, Sóc Trăng

Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Cần Thơ

Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15 km. Đến thiền viện Trúc Lâm Phương Nam thưởng ngoạn khung cảnh và cầu an sẽ là chuyến hành hương đáng nhớ của bạn nếu có dịp về miền Tây.

7. Đặc sản miền Tây

Cháo cá lóc

Đây là món ăn dân dã, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây nhưng lại là một đặc sản để đón tiếp du khách. Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. 

Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn đã có ở Cần Thơ từ rất lâu đời và được khen là món ăn ngon nhất nhì ở miền Tây sông nước mà du khách không thể bỏ qua. Nguyên liệu chính được làm từ mắm sặc hay mắm cá linh ở xứ Châu Đốc - An Giang, nước lẩu được nấu từ mắm với nước dừa hoặc nước hầm xương heo.  

Lẩu cá linh bông điên điển

 Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng. Bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà. 

Bánh Pía

Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ. Có thể gọi bánh pía là một món ngon miền Tây "được lòng" du khách nhất. 

Bánh canh

Bánh canh miền Tây có nhiều loại gồm bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm nước cốt dừa... Nước dùng bánh canh sánh, hơi sền sệt được nấu chung với sợi bánh làm từ bột gạo hoặc bột lọc cùng nguyên liệu ăn kèm. Món ăn này đã trở nên quen thuộc với đời sống ẩm thực của người miền Tây và họ có thể ăn món này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. 

Lữ hành châu Á - Asiana Tours hi vọng với cẩm nang du lịch miền Tây này, các bạn sẽ có một kì nghỉ tuyệt vời bên gia đình và bạn bè