Tour theo chủ đề

Cầm nang du lịch Mai Châu - Hòa Bình

Nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La và Quan Hóa của Thanh Hóa, thung lũng Mai Châu là điểm đến của hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá cuộc sống của dân tộc Thái. Không có nhiều điểm thăm quan du lịch hấp dẫn như “người hàng xóm” Mộc Châu, nhưng thung lũng Mai Châu vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch và phượt thủ bởi vẻ đẹp thơ mộng, không khí trong lành mát mẻ, văn hóa đa dạng, phong phú và nét ẩm thực đặc trưng. Cùng đọc những kinh nghiệm du lịch Mai Châu được Lữ Hành Châu Á Asiana Tours  tổng hợp và chia sẻ nhé.

 

 

>> Xem Thêm:  Tour du lịch Hà Nội - Mai Châu 2 ngày 1 đêm

                         Tour du lịch Hà Nội - Mai Châu - Mộc Châu 3 ngày 2 đêm

                         Tour du lịch Mai Châu ( ở nhà sàn )

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Nên đi du lịch Mai Châu vào thời gian nào?

Vì là một thung lũng nên khí hậu ở Mai Châu khá ôn hòa và dễ chịu. Mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng không quá lạnh. Vì thế bạn có thể du lịch Mai Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Mai Châu vui vẻ nhất thì thời điểm Mai Châu đẹp nhất và đáng để khám phá nhất là vào khoảng:

   – Tháng 10 đến tháng 12: Thời gian này, Mai Châu bắt đầu vào đông nên không khí khá mát mẻ và dễ chịu và đặc biệt bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng tuyệt vời đó là hoa đào, hoa mận nở trắng trời Mai Châu. Có thể nói nếu ai đã từng được chứng kiến cảnh tượng “hoa cafe trắng trời Tây Nguyên” thì cũng sẽ bị ấn tượng mạnh với hình ảnh Mai Châu trắng muốt và thanh khiết.

   – Tháng 3 và tháng 4: Là thời điểm hoa ban nở, thời tiết cũng khá dễ chịu. Đặc biệt thời điểm này có khá nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Nên đi phương tiện gì để đến Mai Châu?

Có hai cách để bạn du lịch Mai Châu đó là đi bằng ô-tô hoặc xe máy. Và theo kinh nghiệm du lịch Mai Châu, tiết kiệm của chúng tôi thì đa số khách du lịch đến Mai Châu bằng xe máy, bởi thung lũng này chỉ cách Hà Nội có 140km và Hòa Bình 60km về hướng Tây Bắc.

   – Nếu bạn đi bằng xe máy: Cung đường Hà Nội – Xuân Mai – Lương Sơn – Hòa Bình – Mường Khén – Mai Châu, dọc theo QL.6 là cung đường ngắn nhất và nhanh nhất để đến Mai Châu. Nếu bạn không muốn đi cung đường này thì có thể lựa chọn cung đường qua QL.12B, nhưng đi lâu hơn và không có nhiều điểm thăm quan dọc đường.

đường lên mai châu

   – Nếu bạn đi bằng ô-tô: Bạn có thể đến bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát để bắt xe đi Mai Châu (Hòa Bình). Khi đến ngã ba Tòng Đậu thì bảo xe cho xuống rồi bắt xe ôm đi khoảng 5km là đến trung tâm thung lũng Mai Châu. Giá vé đi ô-tô vào khoảng 90-110.000VNĐ/người, tùy vào hãng xe.

   – Di chuyển ở Mai Châu: Thung lũng Mai châu khá nhỏ, các điểm thăm quan và bản làng cũng nằm gần nhau cho nên phương tiện di chuyển tiện nhất để bạn khám phá Mai Châu là xe đạp. Các nhà nghỉ và homestay ở đây đều có dịch vụ cho thuê xe đạp với giá 20-50.000VNĐ/xe nên bạn có thể yên tâm. Còn những bạn nào phượt Mai Châu bằng xe máy thì nên mang theo xăng dự trữ nhé.

di chuyển ở mai châu bằng xe đạp

Ở đâu khi đến Mai Châu?

Cũng giống như những điểm du lịch khác, dịch vụ nhà nghỉ và homestay ở Mai Châu rất phát triển, nhất là ở 2 bản du lịch Bản Lác và bản Poom Coọng, cho nên bạn không cần phải lo về chỗ ngủ nghỉ. Các nhà nghỉ và homestay ở đây đều được thiết kế theo phong cách nhà sàn nên khiến khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài rất thích thú. ​

   - Nhà sàn ở Bản Lác

   - Mai Châu Valley View hotel

   - Mai Châu Ecolodge

   - Khách sạn Anh Đào: Địa chỉ : Tiểu khu 4, Thị trấn Mai Châu, Mai Châu, Hòa Bìn

   - Nhà khách huyện Mai Châu: Địa chỉ : Thị trấn Mai Châu, Mai Châu, Hòa Bình

   - Nhà nghỉ Họa Mi: Địa chỉ : Số nhà 70, Tiểu Khu 2, Thị trấn Mai Châu, Mai Châu, Hòa Bình

Các địa điểm tham quan khi du lịch Mai Châu

   - Đèo Thung Khe

đèo thung khe

Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối. Đã có rất nhiều người đi qua đèo Thung Khe mà không nhớ tên của con đèo trên mảnh đất Hòa Bình này. Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pì Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ đối với bất kỳ tay lái nào.

Từ Phú Cường, Tân Lạc, con đèo bắt đầu đi mãi dần lên cùng cảnh sắc Hòa Bình thay đổi không ngừng. Đèo dốc chỉ khoảng 7, 8 và cao nhất tầm 10 độ chạy xuyên qua những dãy núi thấp. Quanh cảnh núi đồi chập chùng với thung lũng xanh mát lạnh. Từ xa, đã thấy đỉnh đèo bên dốc đá trắng, nơi luôn có sẵn vài lán bán ngô, bán cơm lam cho khách dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Dốc xuống xuôi về phía Mai Châu và con đèo kết thúc tại ngã ba Tòng Đậu. Trước đó, bạn có thể ngắm cảnh Mai Châu tuyệt đẹp dưới chân đèo.

Ở Thung Khe một ngày là bốn mùa tươi đẹp. Buổi sớm khi mây trời còn bảng lảng là vô vàn giọt nắng xiên qua biển mây bồng bềnh với màu xanh mát mắt. Buổi trưa là nắng vàng rót mật trên mọi ngả đường cùng mây trắng, trời xanh. Buổi chiều là không khí mát mẻ dễ chịu với ánh nắng chiều và mặt trời nhảy nhót sau mỗi khúc cua. Buổi tối là mây luồn xà thấp trên mọi ngả đường, người đi đường nhìn không rõ vật cách mình trong tầm một mét, lạnh cóng đôi bàn tay.

   - Bản Lác

bản lác mai châu

Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.Bản Lác – Mai Châu: nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.

   - Bản Poom Coong

Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng – một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Pom Coọng đã được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương với gần 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu. Theo truyền thống, người dân Pom Coọng vẫn dựng lên những nếp nhà sàn độc đáo để ở. Những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa voóng, người ta có thể trò chuyện, cùng nhau vui đùa.

Khác với nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn của người Thái thường cao ráo hơn vì vậy luôn tạo được cảm giác sạch sẽ, thoáng mát. Sàn nhà cách mặt đất trên dưới 2m bằng những cột gỗ chắc chắn. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp gianh, lá mây hoặc được cải tiến bằng gạch. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, hoa rừng, những lồng chim cảnh.

Dưới chân nhà sàn, các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi làm ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm lưu niệm là những tấm thổ cẩm, túi, áo được bày bán ngay tại dưới chân nhà sàn với nhiều màu sắc sặc sỡ, khiến những ngôi nhà sàn của Pom Coọng càng thêm nổi bật.

Là một bản nhỏ nhưng Pom Coọng có tới 4 đội bóng chuyền nam-nữ, hai đội văn nghệ thường xuyên tập luyện để giao lưu và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Du khách đã một lần đến với Pom Coọng, ít ai có thể quên những khúc nhạc vui từ điệu múa sạp, múa xòe, điệu khắp của những chàng trai, cô gái Thái làm mê đắm lòng người. Đặc biệt người dân nơi đây hiếu khách, nhưng không hề chèo kéo, nài ép khách mua đồ lưu niệm. Đó cũng là nét duyên Pom Coọng.

Sức sống của du lịch Pom Coọng, đó chính là không gian “thuần Thái” rất sạch sẽ. Nguồn nước sạch, các công trình nước, vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn. Nước chủ yếu là dùng nước máy. Rác thải được phân loại, đựng trong thùng và sẽ được xử lý. Đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, không có chuyện người dân vứt rác bừa bãi..

   - Nhà trưng bày hiện vật cổ vật văn hóa Thái – Mai Châu

Lên Mai Châu hỏi anh Kiều Văn Kiên, quê xã Đồng Trúc (Thạch Thất – Hà Nội), chưa chắc đã nhiều người biết. Nhưng nếu hỏi anh Kiên, người sở hữu “kho báu” Thái thì có khối người chỉ đến tận nhà.

Suốt 10 năm nay, chỉ cần nghe nơi nào, nhà nào có đồ vật cũ của người Thái là anh lập tức lên đường. Hình như anh sợ “kẻ thù thời gian” sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật kia. Không chỉ ở vùng Mai Châu, anh Kiên còn lặn lội đến khắp các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An thậm chí còn sang cả nước bạn Lào hoặc bất cứ vùng nào có người Thái cư ngụ để tìm hiểu, sưu tập và truyền bá những giá trị văn hóa cổ để người dân cùng yêu mến và giữ gìn cho thế hệ sau.

Tháng 6-2012, anh xin phép chính quyền địa phương dựng điểm tham quan văn hóa Thái Mai Châu tại bản Mỏ, xã Chiềng Châu để trưng bày, giới thiệu cho du khách về thời đã xa của một dân tộc có nền văn hóa đậm đà bản sắc.

   - Hang Mỏ Luông

Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.

Dãy núi Pù Khà là sườn phía Đông của thung lũng mai Châu. Hang Mỏ Luông có 2 cửa đều trông ra cánh đồng và các bản làng trong thung lũng. Nằm ở độ cao chách mặt ruộng xung quanh khoảng 5 đến 7m, hang Mỏ Luông cách đường 15 chừng 10m, ngay gần khu dân cư thị trấn Mai Châu. Hang ăn sâu vào lòng núi hơn 500m kể cả ngách. Chiều rộng từ 1m đến 30m. Vòm trần có chiều cao trung bình 10m, chỗ cao nhất 30m. Hang có 2 cửa chính: Cửa hướng Tây bắc trông ra nhà nghỉ Mai Châu vào bằng đường bộ. Cửa hướng Tây trông ra hồ Mỏ Luông vào bằng đường thuỷ.

 

Từ đường 15 leo lên cửa hang hướng Tây bắc chừng 18m, cửa cao 3m, rộng 2m nằm ở độ cao 8m so với chân núi. Đường lên tương đối thuận tiện. Ngoài cửa được bảo vệ bằng một bức tường bê tông và cửa sắt chắc chắn do quân đội xây dựng từ những năm chiến tranh. Bên ngoài cửa là một bức rèm nhũ xám màu thời gian. Hang Mỏ Luông có 4 động chính:

Động thứ nhất có chiều dài 60m, rộng 16m, vòmd trần cao 20m. Nền động đã được đổ bê tông bằng phẳng, có rãnh thoát nước ở xung quanh trong kháng chiến chống Mỹ hang dòng làm kho chữa vũ khí của quân đội. Động được bố cục như một phòng khách lớn, trên vòm trần hai bên vách từng chùm nhũ đá như các cụm đèn trần trang trí, như các bức tranh, các trùm hoa rực rỡ.

Động thứ hai cao hơn động một khoảng10m, khi bước chân vào động du khách có cảm giác như ta vừa bước lên một cõi khác, đó là xứ sở thần tiên của đá. Hai bên vách là các khối nhũ như những ông tiên, ông phật, trên vách là các dải nhũ trắng, vàng, xanh, xám như những đám mây lóng lánh. Dưới chân là các làn vân đá trải dài óng ả như tấm thảm được dát bạc. Bước vào bên trong vài mét có một cửa tò vò, hai bên là hai dải nhũ trắng muốt như dải lụa bay phất phới, xung quanh là hàng rào nhũ đá, ở giữa là các bờ đá nổi vân uốn lượn như con rồng mẹ đang ủ trứng chờ ngày trứng nở. Chếch lên phía trên, một con đại bàng lớn như đang rình trộm trứng rồng nên đã bị nhà trời quở phạt, trói chặt đôi cánh vào vách đá.

Đi tiếp vào bên trong, bạt ngàn nhũ đá hiện ra như một phòng trưng bày thổ cẩm. Giữa phòng là một khối nhũ lớn óng ánh, vàng tươi như những cuộn tơ đang chờ tay người kéo sợi. Hai bên vách đá các dải nhũ đua nhau toả sắc như tầng tầng lớp lớp thổ cẩm được trưng bày trải dài theo tầm mắt. Các tấm thổ cẩm đá như được trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn hình học, hình con rồng, hình con công, hình hoa lá thật đẹp mắt.
Tiếp theo là các dải nhũ đá mang hình như những bông hoa trắng kiêu sa cái thì như những bông hồng, bông cúc, bông sen trông như một vườn hoa xuân đủ hương sắc. Cuối động là các nhũ đá đua nhau mọc lên, trông thon thả mềm mại, tinh nghịch như các thiếu nữ Thái đang chơi trò đuổi bắt.

Động thứ ba thấp hơn động thứ nhất tới 7m. Muốn thăm động thứ ba này du khách phải nghiêng mình lách qua khe cửa tò vò rồi luồn qua một đoạn dài chừng 10m, du khách chợt sững sờ khi thấy trên nền đá trước mặt là các bát sữa đá trắng tinh, nước còn sóng sánh. Phía trên những nhũ đá như những bầu sữa mẹ đang nhỏ từng giọt sữa ngọt ngào xuống bát. Đi tiếp vào trong, lòng hang mở rộng khoảng 20m, trần cao khoảng 20m vách hang có những ngách nhỏ như những căn phòng xinh xắn, bên trong lấp lánh ánh bạc. Các dải nhũ buông xuống bên vách động như những bộ đàn đá, khi gõ vào âm thanh vang vọng khác nhau.

Rẽ theo tay phải, tụt xuống một ngách nhỏ sâu khoảng 3m, du khách sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy bờ cát trải dài theo một con suối chảy ngầm trong lòng núi. Con suối ngầm này dài chừng 240m, du khách có thể đi bằng các bè mảng nhỏ. Lòng suối chỗ sâu nhất khoảng 3m, rộng nhất 8m, vòm trần cao ráo, các dải nhũ buông xuống đầy thơ mộng. Nước suối trong vắt mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, chảy suốt quanh năm, cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng khu vực xã Chiềng Châu và tthị trấn Mai Châu.

Động thứ tư có chiều dài 15m, rộng 12m, vòm trần cao 25m. Đặc biệt trong lòng động này các khối nhũ đá như được mọc lên từ mặt nền lên với đủ các hình dáng. Có chỗ chen chúc như cây nhũ, chỗ thì trông như một buổi chợ phiên đông đúc, Có chỗ nhũ đá lại như một bầy thú đang chạy nhảy thật sinh động. Trong lòng động nước suối trong vắt in hình các những dải nhũ đá mềm mại từ trên vòm trần rủ xuống. Trong khắp lòng động là vô vàn thạch nhũ rủ từ vòm trần xuống, vươn từ lòng hang lên, từ vách động xoè ra. Các khối nhũ hoà quyện, đan xen vào nhau tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động.

   - Hang Chiều

Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững uy nghi nơi cửa hang, nhưng lại khiêm nhường, đứng sang 1 bên để che chắn cho cửa hang và thuận tiện cho đường đi xuống lòng hang. Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 – 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.

Hang có chiều dài trên 150 mét, chia thành 2 tầng. Từ cửa xuống tầng hang thứ nhất khoảng hơn 15m, nơi đây là động chính, có chiều dài khoảng 50m, rộng hơn 40m, vòm trần cao trung bình 55m. Lòng hang tương đối bằng phẳng, thoáng mát, lộng lẫy và uy nghi. Vào đến động chính, cảm giác đầu tiên của du khách là sự choáng ngợp trước rừng thạch nhũ còn nguyên sơ  trùng trùng, điệp điệp, lung linh và huyền ảo. Nhũ mọc từ bên trái, nhô ra từ bên phải,  từ vòm trần rủ xuống, từ đất mọc lên với muôn hình khối và màu sắc, dáng vẻ sinh động với bao hình thái và tư thế khác nhau. Mỗi khối nhũ đều gợi ta liên tưởng đến thế giới sống động;
Bước vào cửa hang, ta thật sự ngỡ ngàng khi gặp con đại bàng đá khổng lồ, nằm áp sát vào vách hang, đang gồng mình cố đẩy cho trần hang cao thêm. Càng đi sâu vào hang, du khách sẽ thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp lộng lẫy và kì vĩ của rừng thạch nhũ đua nhau khoe sắc. Khối giống con thú hung tợn của núi rừng, khối  như những con vật nuôi hiền lành và ngoan ngoãn. Khối thì cứng cáp, sắc nhọn như gươm đao, khối lại mang sự êm dịu, hiền lành tựa áng mây. Tất cả đều hòa chung, tạo nên cảnh sắc của bức tranh hoành tráng  mà thiên nhiên ban tặng.

Nơi chính cung, đối diện với cửa hang là nơi quần tụ của những khối đá mang hình hài ông bụt, tọa lạc ở độ cao khoảng 20m. Dưới nền hang, một bên là con khủng long, một bên là con dê đá đang quỳ phủ phục, canh gác và bảo vệ giấc ngủ vĩnh hằng cho vạn vật sinh linh. Đi sâu về bên hữu du khách sẽ gặp con Lạc Đà khổng lồ, nằm nghỉ ngơi thanh thản. Sau nó là cây thời gian cao khoảng 25m, đường kính từ 2 đến 3m, với nhiều mấu mốc như một cuốn lịch  thiên nhiên, nó được tạo thành từ những giọt nước chắt lọc từ trần hang nhỏ xuống cách đây hàng triệu năm.

Tạm biệt sự lộng lẫy của tầng thứ nhất, đến cuối du khách sẽ gặp bậc xuống tầng hang thứ hai. Ngay trước lối đi bên trái, khối nhũ trắng, mang hình cô gái đang ngồi, dáng hình kiên nhẫn, như đang ngóng chờ ai. Với chiều dài khoảng hơn 80m, rộng khoảng 30m, được chia thành 2 ngách, một ngách đi lên khoảng trên 30m, một đi xuống khoảng trên 80m. Ở giữa là một gian phòng rất rộng, nền hang hơi nghiêng, có rừng thạch nhũ với đủ hình hài khác nhau, khối thì như con kỳ đà, khối như con sư tử, khối như bầy thú rừng.., nhưng tất thảy chúng đều mang dáng vẻ hùng dũng, tự nhiên và sống động. Điều đặc biệt, chúng đều ở những vị trí thật phù hợp, cứ như được sắp đặt từ trước. Trên nền nghiêng của hang, hàng trăm bức tượng bằng nhũ đá, tạo cho ta cảm giác như đang lạc trong động tiên của cõi Phật, trên vách hang treo lủng lẳng 1 con Cá Sấu và 1 con Lạc Đà, cứ như chúng đang bị trừng phạt về tội gì đó, bên cạnh là 1 bầu sữa luôn có nước nhỏ xuống giúp cho sự sống muôn loài. Ngay dưới bầu sữa là khối nhũ đá màu trắng óng ánh như bạc, trông thật tinh khôi và huyền bí;

Leo lên khoảng 30m về bên trái, du khách sẽ thích thú trước cảnh đẹp kỳ vĩ và huyền ảo của rừng nhũ đá, lúc đó du khách mới thực sự tin rằng đã có sự sắp đặt, gọt đẽo, chạm khắc của tạo hóa. Chúng mang vẻ bí ẩn, có những đường nét uyển chuyển, cân đối và được xếp đặt cực kỳ khoa học và hoàn chỉnh. Nơi đây, có bức tượng cô gái Thái với khuôn mặt thanh tú, đầu mang vành khăn của ngày hội, đang cõng theo đứa con thân yêu. Tiếp tục đi xuống chừng 80m, đường hơi quanh co, uốn lượn. Nhũ từ trần hang rủ xuống, chảy dài óng ánh như tấm lụa bạc. Đi đến cuối hang là một dòng suối nhỏ, luôn có nước trong vắt và mát lành. Với chiều dài tổng cộng khoảng 200m, cùng những khối, những giải nhũ lớn tựa bức tranh của thiên nhiên, lung linh huyền ảo và kỳ thú, bầu không khí trong lành sẽ làm cho du khách như đang sống trong khung cảnh thần tiên, đang cùng hưởng không khí với hàng triệu sinh linh hóa đá.

   - Thác Gò Lào

Gò Lào là tên một con thác nằm ở khu vực xã Phúc Sạn, cách trung tâm Thị trấn Mai Châu khoảng 15km. Từ trên đường chính, bạn sẽ phải gửi xe và đi bộ vượt qua khoảng 5 nhịp cầu thang (thực chất là con đường đất được người dân tạo thành bậc để đi lại cho dễ) là có thể xuống được thác. Thác Gò Lào gồm 2 thác nước nhỏ, chảy từ độ cao khoảng 15m xuống. Khu vực dưới chân thác có một bãi đất trống bằng phẳng có thể phù hợp cho việc tổ chức một bữa picnic ngoài trời.

Mách nhỏ: Các bạn trước khi xuống thác thì gửi xe ở nhà Anh Tuấn (cách đường xuống thác khoảng 10m) rồi đi theo hướng mũi tên chỉ. Nếu trời khô thì không sao nhưng nếu trước đó vừa mưa thì con đường xuống thác vô cùng trơn trượt

   - Ba Khan

Ba Khan là một xã nhỏ của Mai Châu nằm ven bờ hồ thủy điện Hòa Bình, từ đèo Thung Khe thả tầm nhìn về phía bình nguyên sau lưng đèo, đó chính là Ba Khan. Con đường này bắt đầu từ phía dưới chân đèo Thung Khe, chạy dọc qua hết xã Ba Khan rồi bắt đầu men theo lòng hồ Hòa Bình.

Nơi đây còn được ví như Hạ Long trên cạn bởi những đỉnh núi xưa kia giờ chìm sâu gần 200m dưới lòng hồ tạo thành. Đến thôn Suối Lốn, các bạn có thể rẽ vào khu Xóm Mới, hỏi nhà Bác Gươm nếu bạn muốn nghỉ lại một đêm ngay sát lòng hồ (giống hệt Thung Nai), thuê thuyền Kayak hay đơn giản hơn là một tour thuyền khám phá lòng hồ được dẫn bởi chính bác chủ nhà. Hiện bác là hộ dân duy nhất làm các hoạt động du lịch ở đây.

Những món ngon không nên bỏ qua khi đi du lịch Mai Châu

   - Cơm Lam

cơm lam mai châu

Món ăn đầu tiên và có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất của Mai Châu là món cơm lam. Món ăn này không quá cầu kỳ với những ống nứa non, chứa đầy gạo và nướng trên bếp lửa, ăn kèm với muối vừng, thịt heo nướng… Tuy nhiên, chế biến món ăn này đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Gạo là nguyên liệu quan trọng, khi nấu cơm lam, người ta lựa chọn loại gạo đặc trưng của vùng núi, hạt nhỏ, thuôn dài, khi chín tỏa mùi thơm nức.

   - Xôi nếp nương

xôi nếp nương

Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon. Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu.

Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi. Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi có mùi thơm lừng thì lấy xôi ra, cho vào một cái rổ. Tuy nhiên, lúc này xôi chưa chín. Xới đều xôi trong rổ một hồi rồi cho vào chõ gỗ và đồ tiếp cho đến khi xôi chín. Hạt nếp nương giờ đã chín bóng bẫy, hương thơm xộc vào mũi thực khách.

   - Thịt lợn mường

thịt lợn mường

Lợn Mường hay còn gọi là lợn cắp nách, lợn mán, lợn “nít”,… là loại lợn thân hình dài, mõm nhọn, tai nhỏ, chân gầy, lông dài và cứng, được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng, chỉ ăn cây, cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt thịt tự nhiên khi ăn.

Đây là một trong những món ăn đậm đà hương vị vùng cao, là đặc sản không thể thiếu trong những bữa cơm đãi khách của người dân vùng núi Tây Bắc

   - Măng đắng

Măng rừng là một đặc sản của vùng đất Mai Châu này và là thứ luôn có sẵn trong nhà bởi người dân thường lên rừng lấy măng về ngâm chua hoặc phơi khô để ăn dần. Đã có nhiều du khách nói vui khi thưởng thức món ăn này,họ tự đặt tên cho món măng đắng là món “Tình yêu” bởi vì khi mới thưởng thức các bạn sẽ thấy vị đắng của măng nhưng sau khi nuốt lại thấy vị ngọt của nước măng.

   - Ong rừng xáo măng chua

Ong rừng không dễ kiếm, chúng chỉ xuất hiện theo mùa, vì vậy nếu muốn được thưởng thức các món ăn được chế biến từ ong rừng bạn hãy lên Mai Châu vào dịp cuối hè. Những tổ ong rừng to bằng chiếc rổ con được người dân trong bản mang về vừa làm thuốc vừa chế biến ra những món đặc sản mà vùng đồng bằng không có được.

Thường những con ong già màu nâu được người dân mang ngâm rượu, còn làm món ăn thì chỉ chọn ong non có màu trắng béo tròn mập mạp. Ong rừng có thể rang với lá chanh như nhộng nhưng ở đây người dân thường xáo với măng chua.

   - Nước lá phao

Là loại nước uống đặc biệt ở Mai Châu, được nấu từ một loại lá cây rừng có sẵn. Lá cây sau khi được bẻ về, phơi khô rồi cắt nhỏ, sau khi nấu lên nước lá phao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam lại vừa có mùi ngai ngái của lá cây rừng. Nước lá phao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể.

 Những kinh nghiệm du lịch Mai Châu, giá rẻ và trải nghiệm trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi hoàn hảo và đáng nhớ nhất. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc hay kinh nghiệm du lịch Mai Châu và Tây Bắc thì hãy chia sẻ với Lữ hành châu á Asiana Tours chúng tôi nhé. Chúc các bạn du lịch vui vẻ.